Con vẹt là loài chim có chỉ số IQ rất cao, có khả năng bắt chước người nói nên rất được ưa chuộng để nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, để nuôi vẹt khỏe mạnh, nói tốt đòi hỏi người nuôi cần trang bị kiến thức về đặc điểm, tập tính của vẹt cũng như nắm các kinh nghiệm, lưu ý quan trọng.
Nguồn gốc và đặc điểm của chim vẹt (két)
Con vẹt hay một số nơi gọi là con két, tên tiếng Anh là Parrot, tên khoa học là Psittaciformes. Theo các tài liệu ghi chép, loài chim vẹt đã xuất hiện cách đây hơn 59 triệu năm, mãi đến năm 1830, chân dung loài vẹt mới được nhà động vật học Wagler mô tả lại.
Đến nay, trên thế giới có khoảng 400 loài vẹt khác nhau đang sinh sống, tập trung nhiều ở khu vực Nam Mỹ, Australia, Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi. Ở Việt Nam hiện có khoảng 50 loài vẹt phân bổ khắp các tỉnh thành. Một số loài phổ biến như vẹt xanh đuôi dài, vẹt Mã Lai (Cockatiel), vẹt Lovebird ,vẹt Hồng Kông, vẹt Macaw (vẹt mắc), vẹt Kakapo, vẹt má vàng, vẹt Ringneck Ấn Độ,…

Vẹt nổi bật với bộ lông dày, màu sắc sặc sỡ (màu chủ yếu là xanh lá cây) cùng chiếc mỏ to, dài, có phần hơi quặp xuống và đặc biệt là rất cứng cáp. Kích thước vẹt khá đa dạng, có thể lên đến 100cm, tùy theo loài. Đầu to, tròn, cổ ngắn, phần lưng vẹt hơi cong, bụng phình to, mắt có màu đen/đỏ tùy dòng. Cánh và đuôi vẹt đều dài. Đôi chân của vẹt chắc khỏe, to và ngắn, phần móng cứng ngắc và khá sắc nhọn.
Con vẹt cảnh ăn gì?
Trong tự nhiên vẹt ăn chủ yếu các loại quả hạch, trái cây, hạt giống và côn trùng. Trong môi trường nuôi nhốt, để vẹt phát triển khỏe mạnh, đẹp mã, người nuôi cần chú ý đến khẩu phần ăn hằng ngày đảm bảo đủ dinh dưỡng. Nên kết hợp thức ăn khô từ các loại hạt ngũ cốc, dinh dưỡng (lúa mạch, hạt mè, hạt kê, quả hạch…) và thức ăn tươi gồm các loại trái cây chín (đu đủ, chuối, cam, quýt, táo,…), rau xanh (cà chua, mùi tây, dưa leo, cà rốt, súp lơ, rau cải,…) hoa tươi (hoa hồng, hoa dâm bụt, lõi bắp,…). Ngoài ra, vẹt cũng rất thích mì ống làm từ yến mạch, hạt đậu phộng, bạn có thể thử.

Một số loại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vẹt mà bạn không nên cho ăn như trái bơ, lê tàu, hạt táo, hồng vàng, nấm, chocolate, thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, phụ gia, các loại nước có gas, chất kích thích, trà, bia, rượu,…
Tùy theo lứa tuổi, chế độ cho vẹt ăn có sự khác nhau. Ví dụ với vẹt còn nhỏ thì bạn nên cho ăn dạng bột, các loại bột ngũ cốc được rang chín, bổ sung thêm vitamin nghiền. Đối với vẹt trưởng thành, bạn có thể cho vẹt ăn đa dạng thực phẩm.
Một số lưu ý khi cho vẹt ăn:
- Rau củ quả cần rửa sạch trước khi cho vẹt ăn
- Thời điểm cho vẹt ăn thích hợp nhất là vào buổi sáng và chiều muộn.
- Nên tập thói quen ăn cho vẹt đúng giờ
- Mỗi lần cho ăn bạn chỉ nên cho 1 thìa
- Sử dụng bát riêng cho vẹt ăn, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ
>> Xem Thêm : Chim khướu ăn gì? Cách nuôi và chăm sóc cho người mới
Cách chăm sóc vẹt khỏe mạnh
Vẹt là loài thích sự náo nhiệt, ồn ào. Do đó khi nuôi chúng bạn cần tránh để vẹt một mình, chúng có thể buồn dẫn đến bỏ ăn và chết. Vẹt được nuôi trong chuồng, kích thước cần đủ rộng để vẹt chạy nhảy. Bên trong chuồng nên có thanh giá bắc ngang chắc chắn để làm chỗ đứng cho vẹt, đừng quên cóng đựng thức ăn và nước uống. Nên đặt chuồng ở gần khu vực đi lại, đông người để vẹt có thể tiếp xúc thường xuyên.
Vẹt thích tắm nước, bạn nên tắm cho chúng hằng ngày vào mùa hè để loại bỏ bụi bẩn cũng như hạn chế ký sinh trùng bám vào gây bệnh. Đối với mùa đông bạn chỉ nên tắm cho chúng vào những hôm nắng ấm. Sau khi tắm chú ý lau và sấy khô lông.
Cách dạy vẹt biết nói nhanh
Mặc dù vẹt là loài có khả năng bắt chước người khác nói. Tuy nhiên trên thực tế không phải cứ nuôi vẹt là chúng sẽ nói được. Để đảm bảo vẹt nói được, tốt nhất bạn nên nuôi chúng từ lúc còn non, nhằm để vẹt lầm tưởng bạn là ba mẹ của chúng. Đến khi vẹt được 1 năm tuổi thì bắt đầu tập nói, bằng cách nhắc đi nhắc lại một từ, câu ngắn, phát âm đơn giản để vẹt tập và nói nhuần nhuyễn.
Thời điểm huấn luyện vẹt nói tốt nhất là 6-7h sáng, tránh những thời điểm chúng mệt hoặc không tập trung. Đừng quên thưởng cho vẹt sau mỗi lần nói. Bạn có thể nuôi 2 con vẹt cùng chuồng để chúng cạnh tranh nhau nói, cách này cũng giúp vẹt học nói nhanh hơn. Thường vẹt mái sẽ nói nhiều hơn vẹt trống.
Trên đây là những thông tin cơ bản về đặc điểm của vẹt cũng như cách chăm sóc, cho ăn, huấn luyện vẹt nói, hy vọng Thế Giới Động Vật đã mang đến thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.