Chèo Bẻo là loài chim khá thú vị, có biệt tài nhái giọng, vì thế nhiều người chơi chim rất thích chúng. Nếu bạn đang tìm hiểu về chim Chèo Bẻo và có ý định nuôi chúng thì dưới đây sẽ là những thông tin cơ bản nhưng cần thiết nhất để bạn trang bị trước nhé!
Chim Chèo Bẻo là chim gì?
Chim Chèo Bẻo có tên khoa học là Dicrurus macrocercus, hay còn được gọi là Chèo Phen, nhiều thông tin cho rằng chúng thuộc họ Dicruridae. Chèo Bẻo là một trong những loài chim lâu đời nhất, được tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ, Iran, Sri và khu vực Đông Nam Á. Ở nước ta Chèo Bẻo có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, vì chúng có tập tính di cư. Hiện có 2 loại chính là Chèo Bẻo đuôi cá và Chèo Bẻo đuôi cờ (đuôi dài).
Đặc điểm, hình dáng của chim Chèo Bẻo
Chèo Bẻo nổi bật với bộ lông màu đen tuyền, mỏ nhọn, thân hình thon dài, trung bình chim trưởng thành có chiều dài cơ thể có thể lên tới 28 cm, cân nặng từ 40-60g và thường có một đốm trắng nhỏ sau mép mỏ. Với mỗi loài sẽ có đặc điểm riêng, kích thước khác nhau, dưới đây là một số loài chèo bẻo bạn có thể tham khảo.
Chèo bẻo đen
Tên khoa học là Dicrurus macrocercus, dài 27-29 cm, là loài định cư, phổ biến trong cả nước, trú đông tại Nam Bộ. Loài chim này sống ở khu vực trống trải, đất nông nghiệp, cây bụi, thường đậu ven đường với số lượng lớn.
Chèo bẻo xám
Tên khoa học là Dicrurus leucophaeus, dài 26-29 cm, là loài định cư và di cư theo độ cao, tương đối phổ biến trong cả nước, di cư qua Đông Bắc, trú đông tại Nam Bộ. Chúng sống ở các khu vực trống trải trong rừng, rừng ngập mặn, phân bố đến cả khu vực có độ cao 2.750 mét.
Chèo bẻo mỏ quạ
Tên khoa học là Dicrurus annectans, dài 27-32 cm, là loài di cư sinh sản không phổ biến tại Đông bắc, Bắc và Trung Trung Bộ, di cư không phổ biến tại Đông Bắc, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Chúng sống chủ yếu ở rừng lá xanh rộng, giao rừng rụng lá, rừng ngập mặn, cây bụi ven biển, rừng trồng, rừng thứ sinh khi trú đông và trên đường di cư.
Chèo bẻo rừng
Tên khoa học là Dicrurus aeneus, dài 22-24 cm, là loài nhỏ nhất trong họ Chèo bẻo, đồng thời cũng là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước. Môi trường sống của chúng là rừng lá rộng thường xanh (lá xanh quanh năm), bán thường xanh, rừng rụng lá, rừng thứ sinh, bìa rừng.
Chèo bẻo cờ đuôi bằng
Tên khoa học là Dicrurus remifer, dài 25-28cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước. Khu vực sinh sống chủ yếu của loài này là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh.
Chèo bẻo cờ đuôi chẻ
Tên khoa học là Dicrurus paradiseus, dài 33-36cm, là loài định cư phổ biến trong cả nước. Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá, rừng đầm lầy, rừng thứ sinh, rừng trồng.
Chèo bẻo bờm
Tên khoa học là Dicrurus hottentottus, dài 29-33 cm, là loài định cư phổ biến trong cả nước, di cư qua Đông Bắc. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá, rừng thứ sinh, vườn và công viên trong mùa di cư, thường di chuyển theo đàn.
>> Xem Thêm : Chim Vàng Anh Ăn Gì? Có Mấy Loại Chim Vàng Anh
Tập tính và sinh sản của chim Chèo Bẻo
Tính cách chim Chèo Bẻo khá hung dữ, khi gặp nguy hiểm chúng sẽ xù lông ở đỉnh đầu. Trong tự nhiên chúng thường sống theo nhóm, đậu trên cành cây, bay chao để bắt mồi, thường lượn và kêu vang một góc trời. Hiện nay Chèo Bẻo được thuần hóa từ nhỏ nhiều nên khi trưởng thành rất nghe lời.
Chèo Bẻo là loài rất chung thuỷ như bồ câu trắng, bằng chứng là chúng chỉ sống với 1 con cái/con đực cả đời. Chèo Bẻo sinh sản vào cuối mùa xuân đến hết mùa thu, làm tổ bằng cách dùng nước dãi của chính mình để kết dính cỏ khô, rơm.
Mỗi năm chim cái đẻ 2-3 lứa, mỗi lần trung bình cho từ 3-5 trứng. Trứng chim Chèo Bẻo có màu kích thước lớn. Chim non có màu vàng đỏ, lông măng xuất hiện sau một tuần. Chèo Bẻo con sẽ mở mắt sau khoảng 8 ngày, rời tổ vào ngày thứ 16 hoặc 17. Sau 3 tuần đuôi của chúng sẽ tương đối hoàn thiện. Chim bố mẹ tiếp tục cho ăn và bảo vệ chúng trong một tháng. Chim con có thể sẽ ở cùng bố mẹ chúng lâu hơn, nhưng chúng thường bị phớt lờ để tự lập sớm. Chèo Bẻo con đến trưởng thành thường cần đến 2 năm để có thể sinh sản.
Hướng dẫn cách nuôi Chim Chèo Bẻo khoẻ mạnh, sống lâu
Tuổi thọ của Chèo Bẻo khá thấp, khi bị nhốt chúng dễ chết không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên nếu biết cách và thận trọng chăm sóc thì Chèo Bẻo có thể sống tốt với chủ của chúng trong nhiều năm. Nếu bạn mới bắt đầu nuôi Chèo Bẻo thì dưới đây sẽ là những gạch đầu dòng mà bạn cần chú ý:
Chọn giống
Đầu tiên chất lượng chim con vô cùng quan trọng. Bạn nên chọn chú chim Chèo Bẻo nhìn khỏe mạnh, lanh lợi, mắt sáng. Bạn có thể tìm đến các cơ sở kinh doanh chim cảnh lớn vì cửa hàng nhỏ thường ít có. Hoặc tìm kiếm trên các hội nhóm trên các trang mạng xã hội để lựa chọn. Hoặc bạn có thể làm bẫy chim Chèo Bẻo ngoài tự nhiên bằng mồi bọ ngựa, châu chấu hay tiếng chim hót để dụ chúng.
Lồng nuôi
Đuôi Chèo Bẻo rất dài, do đó bạn cần sử dụng lồng nuôi rộng từ 70-80cm, đường kính từ 50-60cm để chúng có không gian thoải mái hoạt động, không ảnh hưởng đến sự phát triển của đuôi hay bị chân teo. Trong lồng cần chuẩn bị đủ cóng nước, que đậu, máng sẵn. Đặc biệt chú ý vệ sinh lồng sạch sẽ để tránh vi khuẩn gây bệnh.
Chế độ ăn uống
Thức ăn yêu thích của Chèo Bẻo là côn trùng nhỏ như châu chấu, cào cào, dế, sâu bướm, bọ ngựa, bọ xít, bọ cánh cứng,… Khi nuôi bạn có thể cho chúng ăn cám chuyên dụng, thịt bằm, sâu quy, bột tự làm, bột ngô trộn thịt băm, các loại hạt… Nếu chim non bạn nên cho chúng ăn cháo, đút từng thìa nhỏ vào miệng. Đến khi chim trưởng thành thì mới cho ăn cám, đừng quên bổ sung rau xanh, quả tươi để chúng phát triển khoẻ mạnh. Thức ăn thừa cần loại bỏ vì chúng có thể bị ôi ảnh hưởng đường ruột chim.
Chăm sóc
Khi mới nuôi bạn nên để chúng dần làm quen với môi trường, treo ở nơi ít người qua lại và thoáng để chúng không bị hoảng. Tránh sự dòm ngó của chó mèo hay các động vật khác. Chèo Bẻo cần được tắm mát vào mùa hè và tắm nắng định kỳ vào mùa đông để không bị cảm lạnh. Khả năng chịu rét của Chèo Bẻo rất kém do đó bạn nên che màn mỏng lên lồng vào mùa đông để bảo vệ chúng khỏi gió rét.
Bệnh thường gặp
Bệnh thường gặp ở chim Chèo Bẻo là ký sinh trùng, do đó cần đảm bảo khâu vệ sinh trong thức ăn và nước uống hằng ngày của chúng để phòng ngừa. Chú ý theo dõi sức khoẻ chim thường xuyên nếu có dấu hiệu bệnh cần được thăm khám bác sĩ thú ý sớm nhất.
Chim Chèo Bẻo giá bao nhiêu?
Chim Chèo Bẻo không quá đắt, trung bình từ 300-400.000 đồng/con cho chim chơi cảnh. Tùy theo đặc điểm từng con sẽ có mức giá khác nhau. Để tìm được những chú chim đẹp bạn nên đến các cửa hàng chuyên chim cảnh hoặc trại chim để lựa.
Như vậy trên đây là tóm tắt những thông tin về chim Chèo Bẻo, một số lưu ý quan trọng khi nuôi. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn.