Chim Khướu nổi bật nhờ giọng hót lanh lảnh nên được rất nhiều người nuôi làm cảnh. Tuy nhiên để nuôi chim Khướu khoẻ mạnh, hót hay đòi hỏi người nuôi phải am hiểu về chim, kỹ thuật nuôi và chăm sóc cụ thể. Dưới đây là một số chia sẻ về cách chăm sóc dành cho những ai mới bắt đầu nuôi chim Khướu.
Nguồn gốc và đặc điểm chim Khướu
Chim Khướu, tên khoa học là Timaliidae, thuộc bộ Sẻ, chúng sống thành bầy ở những tán cây rậm, gần sông suối ao hồ, chủ yếu ở khu vực có khí hậu nhiệt đới thuộc các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tuổi thọ của chim Khướu khá cao, trung bình từ 10-15 năm. Theo các nhà khoa học, chim Khướu đã có mặt trên Trái đất khoảng 10 triệu năm trước, tuy nhiên nguồn gốc và quá trình tiến hoá của loài chim này vẫn chưa được làm rõ.
Chim Khướu có kích thước ở mức trung bình, dáng khá thanh mảnh, chân thon, nổi bật với chiếc mỏ dài, nhọn cùng bộ lông mềm, màu sắc lông tuỳ thuộc vào khu vực chúng sinh sống, trong đó thường là màu xanh, xám, nâu,… Ở nước ta, phổ biến có thể kể đến một số giống chim Khướu như bạc má, khướu mun, khướu ô lờ,…
Cách nuôi và chăm sóc chim Khướu cho người mới
Bên cạnh việc lựa chọn chim giống tốt, để nuôi chim Khướu khoẻ, hót hay đòi hỏi người nuôi am hiểu về cách nuôi, chăm sóc. Do đó nếu bạn là người mới thì trước hết nên tìm hiểu về đặc điểm của Khướu, môi trường nuôi, cách nuôi,.. Dưới đây là một số chia sẻ bạn có thể tham khảo:
Lồng nuôi khướu
Lồng nuôi chim Khướu cần có kích thước phù hợp với kích thước của chúng, thường lồng có đường kính từ 40cm trở lên sẽ đảm bảo đủ không gian để khướu cảm thấy thoải mái, di chuyển.
Về chất liệu lồng, bạn có thể sử dụng lồng sắt, gỗ hoặc tre. Lồng sắt thường khá nặng, khó khăn cho di chuyển lại dễ bị rỉ sét. Với lòng tre gỗ bạn cần chú ý kích thước các chấn song cửa lồng phải khít nhau, chim không chui qua lọt.
Lồng cần có thanh gỗ ngang để Khướu đứng, có đủ cốc thức ăn và nước uống. Bên cạnh đó, người nuôi cần chuẩn bị thêm cả áo che lồng chim vào buổi tối, tránh muỗi đốt chim.
Chim Khướu ăn gì?
Chim Khướu là loài ăn khỏe, uống nhiều nước. Do đó bạn cần đảm bảo đủ nước trong quá trình nuôi. Về thức ăn, khướu ăn được đa dạng như ngũ cốc, cám, côn trùng (các loài sâu, cào cào, thằn lằn, dế, châu chấu, cào cào,…), giun, trái cây (đu đủ, cam, thanh long, chuối,…),…
Để Khướu phát triển khoẻ mạnh, đẹp mã và hót hay bạn nên cho chúng ăn ăn đủ chất bằng cách đa dạng các loại thức ăn. Tuy nhiên để tránh tình trạng Khướu bị ngợp, thời gian đầu bạn chỉ nên tập trung vào 1-2 loại chính, còn lại chỉ nên xen kẽ, cụ thể như sau:
- Đối với trái cây bạn chỉ nên cho Khướu ăn loại mềm, mỗi tuần chỉ nên ăn từ 1-2 bữa
- Khướu rất thích chuối nhưng bạn không nên cho chúng ăn quá nhiều
- Đối với sâu, bạn chỉ nên cho ăn vừa phải, ăn nhiều sẽ khiến lông chúng xoăn lại
- Đối với cám thì cám gạo sẽ chứa nhiều vitamin, tinh bột và khoáng tốt hơn cám công nghiệp
- Khứu có thể ăn thịt bò, lợn nhưng bạn cần băm nhuyễn, đồng thời không nên cho chúng ăn quá nhiều, tốt nhất là 3 lần/tuần.
- Bạn có thể làm thức ăn thêm cho chúng như gạo tấm rang bột trứng, cơm rang trứng,…
>> Xem Thêm : Chim Chìa Vôi ăn gì? Kỹ thuật nuôi, chăm sóc, huấn luyện chim hót
Hướng Dẫn Cách Chăm Sóc Chim Khướu
Chim Khướu rất nhát nên khi vừa mua về bạn nên cho chúng vào lồng, đặt ở nơi thật yên tĩnh, thoáng đãng, tránh nơi bí bách. Nên sử dụng áo phủ để tránh việc chúng nhảy hoảng loạn, làm tróc trán gãy đuôi,… Đợi vài hôm bạn hạ lồng, thay thức ăn và nước rồi treo lên chỗ cũ, hé dần áo phủ để chim làm quen. Thường chúng sẽ mất 4 tháng để làm quen và nửa năm để thuần thục.
Sau 1-2 tuần mang về, bạn nên tắm rửa vệ sinh cho chim Khướu cũng như lồng chim. Tốt nhất nên trang bị thêm 1 chiếc lồng khác để phục vụ việc tắm rửa. Sau khi cho chim sang lồng tắm (nên mở cửa 2 lồng để sát nhau, không nên dùng tay bắt Khướu), bạn tiến hành phun nước ở dạng sương hoặc vảy nhẹ lên người chúng để lông bị ướt. Tuyệt đối không xịt mạnh khiến chúng sợ hãi. Sau khi xịt ướt đều bạn đặt lồng ở nơi có nắng, thoáng để chim tự tắm và tỉa lông, rồi mới đưa về lồng ban đầu. Không nên tắm nhiều, cách 3 ngày tắm 1 lần là vừa đủ.
Khi chim làm quen với môi trường mới, mỗi sáng bạn nên cho chim tắm nắng khoảng 5 phút. Buổi tối không để lồng ngoài trời, chim dễ bị cảm lạnh vì phơi sương. Trong thời gian nuôi, bạn nên tương tác với chim để tạo ra sự gắn kết và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với chúng. Điều này sẽ giúp cho chim khướu cảm thấy an toàn, tin tưởng và yêu mến bạn hơn.
Nuôi chim Khướu không dễ, nhất là với người mới bắt đầu. Tuy nhiên nếu bạn đủ kiên nhẫn, chủ động tìm hiểu thêm về kiến thức nuôi và chăm sóc, bạn hoàn toàn có thể thành công. Hy vọng những chia sẻ trên hữu ích với bạn.