Không chỉ nuôi làm thịt, cua đinh đã và đang trở thành thú vui nuôi kiểng của nhiều người. Đồng thời chúng và baba là 2 loài khác nhau. Bài viết này hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về loài cua độc đáo này nhé!
Cua đinh là con gì?
Cua đinh (tên khoa học là Amyda Cartilaginea) là động vật thuộc lớp bò sát, còn được gọi là ba ba Nam Bộ vì chúng có hình dáng tương đồng.
Trong môi trường tự nhiên, cua đinh thường được tìm thấy ở các kênh rạch, con sông, suối, hồ ao và vùng ngập nước khu vực ĐNA. Ở nước ta chúng có mặt ở các tỉnh như Huế, Daklak, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Bình Thuận và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Thịt cua đinh thơm và ngọt, giá trị dinh dưỡng cao nên nhu cầu nuôi thương phẩm khá lớn. Ngoài ra, hiện nhu cầu nuôi cua đinh làm kiểng cũng dần trở nên phổ biến.
Đặc điểm hình dáng của cua đinh
Cua đinh có cơ thể lớn, mai có chiều dài tới 830mm. Có những nốt sần nhỏ, tròn xếp thành hàng dọc theo bờ trước của mai. Trên mai phủ một lớp da mỏng, rải đều có những nốt sần rất nhỏ. Đầu xám nhạt, lấm tấm những vết vàng nhỏ. Mai màu nâu hoặc xám, có những vết đốm màu vàng và xám đen; ở cá thể non có rất nhiều chấm vàng.
Về hình dáng, cua đinh gần giống như ba ba nên rất nhiều người nhầm lẫn cua đinh và ba ba là một, song thực tế chúng là 2 loài khác nhau. Nếu chú ý kỹ một chút bạn sẽ thấy giữa cua đinh và ba ba có sự khác biệt. Để phân biệt, chúng ta sẽ so cua đinh với 2 loại ba ba phổ biến hiện nay là ba ba trơn và ba ba gai:
- So với ba ba trơn: Lưng của cua đinh sẽ có gai nhỏ sần, đốm bơn gở, còn ba ba trơn thì nhẵn trụi, không đốm
- So với ba ba gai: Đầu của cua đinh sẽ có đốm bông còn ba ba sẽ không có. Ngoài ra cổ cua đinh nhiều gai hơn so với ba ba gai, chưa kể 2 bên vai của cua đinh sẽ có nốt lồi như 2 cây đinh, còn ba ba sẽ không có.
So với ba ba thì trọng lượng của cua đinh có thể lên tới 60kg, trung bình cân nặng của cua đinh sẽ dao động từ 5-15kg.
Thức ăn của cua đinh
Cua đinh bản chất là loài ăn tạp, dễ ăn, chúng có thể ăn động vật còn tươi sống như tôm, cua, ốc, cá tạp, giun, ếch nhái, các phụ phẩm từ lò mổ, giun đất, tép khô hay thức ăn chế biến. Đối với mô hình nuôi công nghiệp chúng thường được cho ăn cám công nghiệp
Cách nuôi và chăm sóc cua đinh
Cua đinh tự nhiên đang giảm dần do săn bắt. Hiện chủ yếu trên thị trường là cua đinh nuôi từ các trang trại, chúng được nuôi để làm thương phẩm hoặc lấy giống làm thú kiểng. Vì là loài sống trong hoang dã nên cua đinh có sức đề kháng cao, thích nghi tốt với môi trường, không cần chăm sóc nhiều, nuôi ít bị hao hụt đầu con, ít bị bệnh, chúng lại nhanh lớn, từ 2-3 năm cua sẽ tăng từ 2-3 kg.
Tùy theo cách nuôi, có thể nuôi cua đinh trong bể kính, bể xi măng hay ao nuôi theo mô hình công nghiệp. Mỗi mô hình có những lưu ý riêng. Điểm chung là bạn cần giữ cho nước trong ao, bể luôn sạch, đầy đủ, tránh vẩn đục hay rác bẩn. Nước cần khử trùng 2 tuần/lần bằng vôi bột. Chú ý liều lượng thức ăn của cua phù hợp.